Thứ trưởng Nguyễn Xuân Sang dẫn đầu Đoàn công tác của Bộ GTVT đã có buổi làm việc với tỉnh Sóc Trăng về những dự án giao thông quan trọng.
Bộ GTVT sẽ hỗ trợ tối đa cho tỉnh Sóc Trăng
Sáng 16/1, Đoàn công tác của Bộ GTVT do Thứ trưởng Nguyễn Xuân Sang làm Trưởng đoàn đã có buổi làm việc với tỉnh Sóc Trăng về các dự án phát triển giao thông trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng, đặc biệt là đối với cảng biển Sóc Trăng (khu vực cửa biển Trần Đề).
Tại buổi làm việc, các đơn vị thuộc Bộ GTVT và lãnh đạo Sở, ngành tỉnh Sóc Trăng trao đổi sâu về quy hoạch cảng biển Sóc Trăng (khu bến Trần Đề), bởi đây được xem là cảng động lực thúc đẩy sự phát triển của tỉnh Sóc Trăng và các tỉnh lân cận như Bạc Liêu, Cà Mau, Hậu Giang…
Quang cảnh buổi làm việc giữa đoàn công tác của Bộ GTVT với tỉnh Sóc Trăng về các dự án giao thông trên địa bàn tỉnh này.
Theo tiến độ dự kiến, Bộ GTVT sẽ trình Thủ tướng Chính phủ Quy hoạch chi tiết nhóm cảng biển, bến cảng, cầu cảng, bến phao, khu nước, vùng nước vào cuối năm 2022.
Ông Trần Văn Lâu – Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng cho biết, hiện nay, tỉnh Sóc Trăng đang chuẩn bị các công việc cần thiết để tổ chức Hội nghị Xúc tiến đầu tư vào tháng 4/2022, trong đó có kêu gọi đầu tư cảng biển Sóc Trăng (khu bến Trần Đề).
Do đó, UBND tỉnh Sóc Trăng kiến nghị Bộ GTVT xem xét, tách nội dung Quy hoạch chi tiết phát triển vùng đất, vùng nước cảng biển Sóc Trăng thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 để phê duyệt riêng.
Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng đề xuất khi quy hoạch xây dựng cảng phải có tính liên kết vùng, kết nối giao thông đường bộ, đường thủy, cao tốc, kết hợp với cầu Đại Ngãi hoàn thành, khi đó hàng hóa xuất khẩu qua cảng nước sâu này sẽ thuận lợi rất nhiều.
Song song đó, tỉnh Sóc Trăng quy hoạch 5 khu công nghiệp, trong đó 3 khu nằm trên tuyến Nam Sông Hậu, để phục vụ cảng quy hoạch thêm 2 khu 4.000 ha làm khu hậu cần logistics (khu vực Trần Đề 4.000 ha và khu vực Mỹ Thanh 4.000 ha).
Nếu quy hoạch khu hậu cần logistics qua huyện Cù Lao Dung 22.000 ha, tính liên kết cách một cửa sông của Trần Đề không khả thi cao. Hiện tỉnh quy hoạch toàn huyện Cù Lao Dung trở thành huyện du lịch sinh thái, do vậy quy hoạch khu hậu cần logistics ở đây là không phù hợp.
“Cần nghiên cứu khu hậu cần logistics ở cửa biển Mỹ Thanh, cửa biển Trần Đề và hướng QL Nam Sông Hậu. Đề nghị đơn vị tư vấn xác định vị trí điện gió và khu hành chính trong quá trình quy hoạch cảng”, ông Lâu đề xuất.
Tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Xuân Sang cho biết, Bộ GTVT đặc biệt quan tâm đến các dự án phát triển hạ tầng giao thông trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng nói riêng và khu vực ĐBSCL nói chung.
“Bộ GTVT sẽ hỗ trợ tối đa cho tỉnh Sóc Trăng phát triển kinh tế – xã hội, quy hoạch chi tiết cảng biển Sóc Trăng, các dự án kết nối đường bộ đến cảng biển, thống nhất và ghi nhận những đề xuất, kiến nghị của tỉnh Sóc Trăng”, Thứ trưởng nhấn mạnh.
Quy hoạch cảng phải làm kỹ, làm chất lượng
Với tinh thần quyết liệt của tỉnh Sóc Trăng, Thứ trưởng Nguyễn Xuân Sang phát biểu: “Tôi tin rằng tỉnh Sóc Trăng sẽ đột phá trong kết nối hạ tầng giao thông, cảng biển. Đề nghị tỉnh Sóc Trăng quan tâm chỉ đạo các Sở, ban, ngành tỉnh hỗ trợ Bộ GTVT trong tất cả công tác, nhất là công tác GPMB để đảm bảo tiến độ, chất lượng các dự án đầu tư, có vướng mắc phát sinh phản ánh trực tiếp với các Ban QLDA của bộ để kịp thời tháo gỡ ngay”.
Thứ trưởng Nguyễn Xuân Sang cũng đề nghị tỉnh Sóc Trăng phối hợp chặt chẽ với đơn vị tư vấn của nhà đầu tư, khi có kết quả tư vấn, tỉnh lập hồ sơ trình lên Bộ GTVT để xem xét, phê duyệt.
“Đơn vị tư vấn phải nỗ lực hơn nữa, và vào cuộc sớm hơn nữa, bởi đây là cảng được quy hoạch có quy mô tầm cỡ quốc tế, tạo đột phá không chỉ cho tỉnh Sóc Trăng mà cho cả khu vực ĐBSCL. Cần làm kỹ, thật chất lượng. Đồng thời, tỉnh Sóc Trăng cần phải quyết liệt đầu tư sức người, sức của để sớm hoàn thành quy hoạch cảng”, Thứ trưởng đề nghị.
Bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng Lâm Văn Mẫn đề nghị đơn vị tư tư vấn của nhà đầu tư lập quy hoạch phải bảo đảm tính kết nối giữa các loại hình giao thông, đặc biệt là giao thông đường thủy và đường bộ. Đồng thời, xác định rõ ranh giới quy hoạch, sớm hoàn thành khảo sát, phối hợp với tỉnh để bảo đảm hài hòa các lợi ích kinh tế – xã hội không chỉ của địa phương mà còn của cả khu vực.
Tại buổi làm việc, các đơn vị của Bộ GTVT và các sở, ngành tỉnh Sóc Trăng đã trao đổi thêm một số dự án giao thông khác liên quan đến tỉnh Sóc Trăng gồm: các tuyến đường bộ cao tốc Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng; đường bộ cao tốc Cần Thơ – Cà Mau; mở rộng QL1 đoạn từ ngã ba Trà Tim đến giáp tỉnh Bạc Liêu; QL60; dự án xây dựng cầu Đại Ngãi; công tác giải phóng mặt bằng Dự án Cải tạo, nâng cấp QL1 đoạn từ TP Ngã Bảy, tỉnh Hậu Giang đến huyện Châu Thành, tỉnh Sóc Trăng.
Theo Báo Giao thông.