1. Tiêu chuẩn
Ở Đan Mạch, các sản phẩm được kiểm tra và chứng nhận ở nước ngoài có thể vẫn bị kiểm tra và chứng nhận lại theo qui định của EU vì EU có các quy định khác đối với bảo vệ sức khỏe và an toàn của người tiêu dùng cũng như môi trường.
Các tiêu chuẩn của EU được xây dựng trong những năm gần đây được áp dụng tại tất cả các nước thành viên EU (bao gồm cả Đan Mạch) và các nước thuộc Khu vực kinh tế Châu Âu. Hệ thống tiêu chuẩn chung của các nước thành viên EU tạo điều kiện cho các sản phẩm xâm nhập thị trường của các nước này một cách thuận lợi, lưu ý rằng các qui định và tiêu chuẩn kỹ thuật khác nhau có thể trở thành rào cản thương mại nếu tiêu chuẩn của nước xuất khẩu khác các tiêu chuẩn của EU.
2. Tổ chức cung cấp dịch vụ tiêu chuẩn
Tổ chức cung cấp dịch vụ tiêu chuẩn hàng đầu ở Đan Mạch là Hiệp hội Tiêu chuẩn Đan Mạch. Là một tổ chức tư nhân, hoạt động không vì mục đích lợi nhuận, và được công nhận là một tổ chức tiêu chuẩn quốc gia, nhiệm vụ của Hiệp hội này là cung cấp dịch vụ liên quan đến tiêu chuẩn hóa, chứng nhận và truyền đạt kiến thức về tiêu chuẩn.
Hiệp hội Tiêu chuẩn Đan Mạch có thể trả lời các câu hỏi liên quan đến các vấn đề: Dịch vụ chứng nhận tiêu chuẩn Châu Âu, quốc tế và quốc gia; các quy định của Châu Âu, tiêu chuẩn chung.
3. Đánh giá hợp chuẩn
Để quản lý hàng hàng hóa lưu thông trên thị trường, EU đã ban hành các quy định chung bắt buộc về an toàn, sức khỏe và môi trường cho từng nhóm sản phẩm như máy móc, đồ chơi, vật liệu xây dựng, bộ phận điện tử, thiết bị bảo vệ cá nhân, thiết bị cân nặng không tự động, thiết bị y tế, thiết bị khí, nồi hơi, thiết bị trạm truyền thanh và viễn thông… Các quy định này được công bố công khai. Mục đích ban hành các quy định chung này là thay thế các qui định khác nhau của các nước thành viên EU bằng một hệ thống qui định chung của EU nhằm đảm bảo hàng hóa có thể tự do di chuyển trong phạm vi EU.
Nhà sản xuất có sản phẩm thỏa mãn các quy định của EU được tổ chức chứng nhận được nhà nước cho phép cấp chứng nhận tiêu chuẩn EU cấp giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn chung của EU. Khi đó nhà sản xuất có thể đóng nhãn CE cho sản phẩm của mình và công bố sản phẩm của mình đạt tiêu chuẩn EU. Với sản phẩm đã được đóng nhãn CE và công bố của nhà sản xuất, sản phẩm có thể tự do lưu thông trong phạm vi EU. Đối với nhà sản xuất, những quy định sản phẩm mang nhãn CE nhằm làm cho các nhà sản xuất lựa chọn, quyết định những vấn đề về an toàn/sức khoẻ, lựa chọn mô hình đánh giá qui trình sản xuất nào thích hợp nhất. Trên giác độ quản lý, mục đích của việc đóng nhãn CE chủ yếu là để làm đơn giản hóa quá trình kiểm tra đối với một số mặt hàng của các cơ quan kiểm soát quốc gia các nước thành viên. Mặc dù nhãn CE được dùng chủ yếu cho mục đích kiểm tra, người tiêu dùng có thể coi đây là một dấu hiệu chứng nhận chất lượng. Nhãn CE là đảm bảo của nhà sản xuất, hoặc của đại diện của nhà sản xuất ở Châu Âu, là sản phẩm đó đã đạt những tiêu chuẩn theo quy định của EU. Nhãn CE không bao gồm thông tin kỹ thuật cụ thể của sản phẩm, nhưng có đủ thông tin để cơ quan kiểm soát có thể tìm đến nhà sản xuất hoặc là đại diện của nhà sản xuất ở Châu Âu. Thông tin này không xuất hiện trong nhãn CE, mà được nêu trong bản công bố thỏa mãn qui trình, chứng nhận qui trình của nhà sản xuất, hồ sơ kỹ thuật của sản phẩm hoặc tài liệu kèm theo sản phẩm.