DỰ ÁN XÂY DỰNG TRUNG TÂM LOGISTICS CÁI MÉP HẠ
Sơ lược về cảng Cái Mép Hạ
Cảng Cái Mép Hạ ( hay còn được gọi là cảng Cái Mép – Thị Vải) được xây dựng ở ngay cửa sông Cái Mép và sông Thị Vải (thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu) là cảng biển có nhiều lợi thế khai thác với những con số ấn tượng:
-
Top 23 cảng có thể tiếp nhận tàu 250.000 tấn trên thế giới
-
Top 50 cảng biển khai thác container nhiều nhất thế giới
-
20.000 tỷ tiền thuế xuất nhập khẩu đóng góp mỗi năm cho ngân sách Trung ương.
Mặc dù tọa lạc ở vị trí được xem như là thuận lợi nhất ở Đông Nam Á và có sức chứa lớn nhưng cảng Cái Mép Hạ vẫn chưa thể trở thành cảng trung chuyển quốc tế, mức cạnh tranh thấp so với các cảng nước sâu khác trong khu vực và chưa thu hút được các hãng các tàu lớn vì một số bất cập như:
- Thiếu hệ sinh thái logistics,
- Thiếu hệ thống giao thông vận tải liên vùng đa phương thức
- Cầu cảng chưa kết nối dẫn đến tình trạng các cảng bị chia cắt
- Chưa có sự liên thông khi chuyển hàng từ tàu nhỏ sang tàu lớn
- Chi phí thủ tục cao, thời gian thông quan lâu
Đề xuất dự án xây dựng Trung tâm Logistics Cái Mép Hạ
Ông Nguyễn Văn Thọ – Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cho biết cần có chính sách đặc biệt để phát triển cụm cảng Cái Mép – Thị Vải và cả chính sách cảng mở để trở thành Trung tâm Logistics Cái Mép Hạ. Nếu được khai thác, cảng Cái Mép – Thị Vải sẽ trở thành cảng biển có vai trò đặc biệt của Việt Nam.
Dự án Trung tâm Logistics Cái Mép Hạ có tổng diện tích 1.763ha trong đó có 936ha đất rừng. Dự án bao gồm: Trung tâm Logistics và bến cảng Cái Mép hạ (984,24ha); diện tích mặt nước (455,77ha); đất dự trữ kho năng lượng sạch (197,65ha); diện tích mặt nước tiềm năng (125,34ha). Tổng vốn đầu tư dự kiến khoảng 19.200 tỷ đồng.
Dự kiến sau khi hoàn tất, Trung tâm logistics Cái Mép Hạ sẽ trở thành cảng đặc biệt của cả nước có chức năng là cảng cửa ngõ và cảng trung chuyển tầm cỡ khu vực và thế giới, đồng thời là một khu thương mại tự do.
Phát biểu tại buổi làm việc với ban lãnh đạo tỉnh Bà Rịa- VT vào chiều ngày 18/12/2021, Thủ tướng Phạm Minh Chính đồng tình cao với những phân tích, đánh giá của các đại biểu về tiềm năng và lợi thế của Bà Rịa – Vũng Tàu, nhất là trong phát triển kinh tế biển, cảng biển, logistics… trong đó có dự án Trung tâm logistics Cái Mép Hạ.
Thủ tướng cũng nêu rõ trọng tâm phát triển logistics của tỉnh trong thời gian tới. Thực tế rất nhiều đối tác quốc tế quan tâm đặc biệt tới khu vực cảng Cái Mép – Thị Vải. Mục tiêu là đưa Bà Rịa – Vũng Tàu thành trung tâm logistics lớn của khu vực và thế giới. Muốn vậy, phải phát triển hạ tầng kết nối vùng, kết nối các trục giao thông lớn của quốc gia và quốc tế.
Dự án nâng cao cơ sở hạ tầng giao thông để phục vụ cho Trung tâm Logistics Cái Mép Hạ
Song song với việc xây dựng Trung tâm Logistics Cái Mép Hạ, UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cũng đề nghị thúc đẩy cơ sở hạ tầng giao thông logistics với các giải pháp như thí điểm cơ chế cảng mở tại cụm cảng container khu vực Cái Mép, thành lập Chi cục Kiểm định hải quan tại khu vực cảng Cái Mép – Thị Vải, triển khai dự án đường cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu, đường vành đai 4, dự án đường sắt Biên Hòa – Vũng Tàu … và đặc biệt là dự án Trung tâm Logistics Cái Mép Hạ.
Đường cao tốc Biên Hòa -Vũng Tàu là tuyến đường quan trọng, kết nối trung tâm logistics Cái Mép Hạ và sân bay Long Thành, khu vực kinh tế trọng điểm và hệ thống đường cao tốc ở phía Nam.
Việc đầu tư và hoàn thành dự án đường cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu sẽ góp phần rất lớn vào việc thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội các tỉnh Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu nói riêng và vùng Đông Nam Bộ nói chung, đồng thời bảo đảm kết nối với Cảng hàng không quốc tế Long Thành để hình thành hệ thống giao thông kết nối liên vùng.
Dự án xây dựng đường vành đai 4 TP.HCM có tổng chiều dài 197,6km ( đi qua 5 tỉnh, thành: Long An, Bình Dương, Đồng Nai, TP. HCM, Bà Rịa – VT) đã được Thủ Tướng Chính Phủ ký phê duyệt quy hoạch chi tiết, cần ưu tiên hoàn thành trong giai đoạn 2021 – 2025. Dự án dự kiến sẽ hoàn thành vào quý 1/2023.
Tuyến đường sắt Biên Hòa – Vũng Tàu đoạn kết nối đến cảng Thị Vải – Cái Mép thuộc dự án quan trọng quốc gia, theo quy hoạch được duyệt sẽ ưu tiên đầu tư trong giai đoạn 2021 – 2030.
Theo: Bộ công thương Việt Nam
Interlink –