TP HCM THU PHÍ HẠ TẦNG CẢNG BIỂN TỪ 1/4
Trong buổi họp báo công bố triển khai thu phí hạ tầng cảng biển trên địa bàn diễn ra vào sáng 25/3, ông Nguyễn Ngọc Tuấn, Giám đốc Cảng vụ đường thuỷ nội địa TP HCM cho biết: “TP HCM sẽ bắt đầu thu phí hạ tầng cảng biển từ 1/4, mức thấp nhất 15.000 đồng mỗi tấn, cao nhất 4,4 triệu đồng với container 40 feet”.
Trước khi vận hành thu phí hạ tầng cảng biển từ 1/4, hệ thống thu phí này đã được thử nghiệm một tháng để doanh nghiệp tiếp cận, quen dần quy trình thực hiện.
Mức phí được áp dụng từ đầu tháng 4 thấp nhất 15.000 đồng/ tấn hàng lẻ, không đóng cont (hàng xuất nhập khẩu mở tờ khai tại TP HCM); cao nhất 4,4 triệu đối với mỗi container loại 40 feet (Hàng chuyển khẩu, gửi kho ngoại quan, tạm nhập tái xuất).
Các loại hàng hóa nhằm mục đích: phục vụ an ninh, quốc phòng, an sinh xã hội, khắc phục thiên tai, thảm họa, dịch bệnh sẽ được miễn đóng phí.
Quy trình thu phí hạ tầng cảng biển được triển khai trên hệ thống điện tử của hải quan, không dùng tiền mặt. App hệ thống điện tử hải quan sẽ thông báo mức phí tự động cho doanh nghiệp sau khi tích hợp dữ liệu với hệ thống thu phí cảng biển. Sau khi đóng phí, ngân hàng sẽ gửi thông báo, in biên lai điện tử và chia sẻ qua hệ thống cảng để xác nhận đưa hàng hoá qua cảng.
Các bên cũng chuẩn bị tình huống xử lý nếu xảy ra trục trặc, đảm bảo không gây ách tắc, ảnh hưởng hoạt động của doanh nghiệp. Khoản thu được công khai, minh bạch trên hệ thống và doanh nghiệp có thể tra cứu.
Ông Tuấn cho biết “ trước chính thức thu phí hạ tầng cảng biển từ 1/4, hệ thống đã được chạy thử và kiểm tra kỹ càng, đảm bảo hoạt động tốt. Tất cả khoản thu sẽ được công khai, minh bạch trên hệ thống để doanh nghiệp có thể tra cứu”.
Dự án này lẽ ra đã được lên kế hoạch triển khai từ 1/7/2021, nhưng do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, dự án này đã bị dời lại tháng 10/2021 rồi lại tiếp tục dời đến đầu tháng 4 năm nay. Trong khoảng thời gian đó, ước tính có thể thu được 2.200 tỷ đồng, xem như là hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sau dịch.
Ông Bùi Hoà An, Phó giám đốc Sở Giao thông Vận tải cho biết “Số tiền thu được sau khi trích cho đơn vị thu phí sẽ nộp ngân sách để sử dụng với mục đích bố trí đầu tư hạ tầng giao thông quanh cảng. Vào thời điểm này, nguồn thu được thành phố sử dụng để đầu tư các dự án khu vực xung quanh cảng Cát Lái, Phú Hữu (TP Thủ Đức), cụ thể là dự án mở rộng đường Nguyễn Thị Định, Nguyễn Duy Trinh và Võ Chí Công; hoàn chỉnh nút giao Mỹ Thủy,…
Tại khu cảng Sài Gòn (quận 4), thành phố sẽ đầu tư xây dựng cầu Thủ Thiêm 4 kết nối qua quận 7 và nhằm giảm tình trạng kẹt xe ở nút giao Huỳnh Tấn Phát – Lưu Trọng Lư – Nguyễn Văn Linh; mở rộng đường Lưu Trọng Lư để kết nối cảng Tân Thuận với đường Nguyễn Văn Linh,…
Cũng theo như ông An, nếu đúng kế hoạch thu phí từ tháng 7 năm ngoái, đến năm 2025 mức thu về ngân sách dự tính khoảng 16.000 tỷ đồng, góp phần đẩy nhanh thực hiện các dự án trên. “Việc thu phí và tái đầu tư hạ tầng quanh cảng là sự hỗ trợ lâu dài cho doanh nghiệp”, ông An nói và cho biết khi giao thông tốt lên, thời gian vận chuyển hàng được rút ngắn, các đơn vị vận tải và doanh nghiệp xuất nhập khẩu hưởng lợi nhiều hơn.
XEM THÊM:
- Lãnh đạo Bộ GTVT hỗ trợ tối đa xây dựng cảng biển của Sóc Trăng
- Interlink đoạt giải Sản phẩm dịch vụ tiêu biểu TP.HCM 2021 do Hiệp Hội Doanh nghiệp và Sở Công Thương tổ chức
- Những gì bạn cần biết về rủi ro và tổn thất trong vận tải đường biển 2022