Giao nhận và vận chuyển hàng hóa đi quốc tế nói riêng và dịch vụ hậu cần (Logistics) nói chung ở Việt Nam từ nhiều năm qua vẫn đang phát triển nhỏ lẻ, thiếu định hướng và thị trường kinh doanh chật hẹp do bị cạnh tranh lớn từ các tập đoàn đa quốc gia.
Nhưng khá đáng trách là với những điều kiện rất phù hợp để ngành dịch vụ giao nhận và vận chuyển hàng hóa đi quốc tế phát triển như vị trí địa lý thuận lợi, có bãi biển dài, thuộc khu vực kinh tế phát triển nhanh và sôi động, nhưng Việt Nam nhiều năm qua vẫn thua sút trong tốc độ phát triển ngành Logistics. Như vậy ngành Logistics Việt Nam cần học hỏi gì từ các nước phát triển lân cận như Singapore, Thái Lan, Malaysia để có được sự phát triển mạnh mẽ hơn.
Thái Lan – Xác định hướng phát triển ngành giao nhận và vận chuyển:
Với các đặc điểm về địa hình, vị trí địa lý và điều kiện tự nhiên khá khác biệt, Thái Lan chỉ phù hợp với việc phát triển giao nhận và vận chuyển hàng hóa đường bộ. Tuy nhiên với vị trí nằm ở Trung tâm Đông Nam Á, Thái Lan trở thành một trung tâm giao dịch của khu vực này, các tuyến giao thương quan trọng tại Châu Á đều đi qua lãnh thổ Thái Lan.
Do đó trong kế hoạch phát triển 2007 đến 2011, chính phủ Thái Lan đã đặt vấn đề xây dựng những chính sách, thể chế và cơ sở hạ tầng phù hợp để phát triển ngành Logistics. Điển hình là việc xây dựng sân bay Suvanarbhumi vào cuối năm 2006 giúp ngành Logistics và kinh tế Thái Lan phục hồi đáng kể, kế đến là áp dụng công nghệ vào công tác hải quan, xử lý chứng từ Logistics giúp tăng tốc độ xử lý chứng từ, giải quyết các thủ tục xuất nhập khẩu. Đây là điều mà ngành Logistics Việt Nam cần học hỏi để có một định hướng phát triển rõ ràng và bền vững.
Tuy nhiên ngành Logistics – giao nhận và vận chuyển hàng hóa đi quốc tế ở Thái Lan vẫn chưa thật sự phát triển hoàn thiện. Thủ tục thông hàng rất rườm rà, nhiều công đoạn nếu so với Singapore hay Malaysia, ngoài ra Thái Lan còn thiếu đội ngũ nhân lực có chuyên môn, kiến thức trong lĩnh vực Logistics, điều này khiến các doanh nghiệp trong ngành vận chuyển và giao nhận hàng hóa của Thái Lan vẫn chưa cạnh tranh được với các tập đoàn Logistics đa quốc gia.
Singapore – Chú trọng học hỏi, thu hút đầu tư:
Ngành giao nhận và vận chuyển hàng hóa đi quốc tế và Logistics của Singapore đã có định hướng phát triển khá sớm từ những năm 1980 và có tốc độ phát triển rất nhanh. Hiện Singapore được xem là thị trường Logistics số 1 ở ASEAN và thuộc Top đầu thế giới. Điều làm nên thành công của Singapore đến từ những thể chế khuyến khích ngành Logistics, lôi kéo đầu tư và chú trọng đào tạo nhân sự.
Chính phủ Singapore từ nhiều năm trước đã chú trọng áp dụng khá nhiều ưu đãi cho các doanh nghiệp hoạt động trong ngành Logistics. Chính sách ưu đãi thuế là một trong những điểm thu hút nhất khiến thị trường Logisitics của Singapore phát triển nở rộ, khiến nhiều tập đoàn Logistics đa quốc gia lần lượt đặt trụ sở tại Singapore. Các chính sách như: miễn thuế với loại hình đầu tư mạo hiểm, miễn thuế thu nhập giao nhận và vận chuyển hàng hóa đi quốc tế bằng tàu biển trong 10 năm, giảm thuế trên lợi nhuận, hỗ trợ cho vay để đầu tư tàu và container …. Khiến cho thị trường Logistics của Singapore phát triển rất nhanh và sôi động với sự tham gia của các công ty quốc tế và cả sự phát triển của các doanh nghiệp nội địa.
Ngành giao nhận và vận chuyển hàng hóa đi quốc tế ở Thái-Sing-Malaysia đang phát triển nhanh chóng.
Khung thể chế và các chính sách hải quan trong ngành giao nhận và vận chuyển hàng hóa của Singapore cũng chú trọng sự đơn giản, hiểu quả và tiện lợi. Chính phủ Singapore luôn đặt mục tiêu “rõ ràng”, “hiệu quả” và “nhanh chóng” để tạo thuận lợi phát huy tối đa sức mạnh từ khối doanh nghiệp trong và ngoài nước. Điển hình là để đơn giản và nhanh chóng hơn trong thủ tục hải quan, Singapore đã sớm ứng dụng quy trình tự động hóa thông qua mạng TradeNet giúp tự động hóa quy trình hải quan thúc đẩy quá trình thương mại, giao nhận và vận chuyển hàng hóa đi quốc tế. Singapore cũng lần lượt áp dụng các hệ thống thông quan điện tử, quy trình TradeXChange, nộp phí và thuế điện tử, khoa ngoại quan ZGT… Hiệu quả của các quy trình này khiến ngành Logistics của Singapore được các chuyên gia từ IMF đánh giá rất cao.
Singapore còn rất chú trọng vào đào tạo, phát triển nguồn nhân lực trong ngành vận chuyển và giao nhận – Logistics. Chính phủ thường xuyên phổ biến các chương trình, kỹ thuật, công nghệ Logistics mới cho các doanh nghiệp; mở các chương trình phối hợp đào tạo giữa nhà trường, nhà nước và các tổ chức Logistics quốc tế; ứng dụng các chương trình giáo dục, giáo trình mới trong đào tạo cao đẳng, đại học, thạc sĩ chuyên ngành Logistics và quản lý chuỗi cung ứng. Bên cạnh đó chính phủ Singapore cũng thường xuyên tổ chức các buổi hội thảo, họp mặt, triễn lãm chuyên đề Logistics nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân sự trong ngành.
Malaysia – Định hướng phát triển đa ngành – toàn diện:
Ngành giao nhận và vận chuyển hàng hóa đi quốc tế ở Malaysia phát triển muộn hơn nhiều so với Singapore, tuy nhiên trong những năm gần đây vẫn đạt được những thành công đáng kể, yếu tố quyết định sự thành công này đến từ những định hướng đúng đắn và vai trò hỗ trợ đắc lực của chính phủ Malaysia.
Năm 2013, Chính phủ chính thức đưa Ủy Ban Logistics Malaysia vào hoạt động với nhiệm vụ lập kế hoạch và thúc đẩy sự phát triển của ngành Logistics. Tiếp sau đó đưa ra hàng loạt các giải pháp, chương trình giúp thuận lợi cho hoạt động Logistics như: cải thiện quy trình thủ tục hải quan, thông quan giúp thuận lợi và nhanh chóng hơn; cải cách quy trình thông quan, thực hiện thông qua nhiều hình thức ngay khi hàng hóa vẫn còn ở lục địa, áp dụng công nghệ cao vào các khâu quản lý, điều hành hoạt động giao nhận và vận chuyển hàng hóa; sử dụng các chương trình ưu đãi thuế nhằm thu hút đầu tư nước ngoài…
Ngành giao nhận và vận chuyển hàng hóa đi quốc tế của Malaysia sớm được chính phủ định hướng phát triển toàn diện đa ngành. Với việc có điều kiện địa lý và kinh tế có nhiều điểm thuận lợi, Malaysia dùng ngành hàng không để làm bàn đạp phát triển các ngành khác và đã đạt được nhiều thành công. Hiện Malaysia đang sở hữu hệ thống bến cảng, sân bay, đường sắt… tiêu chuẩn thế giới và sớm vượt qua Ả Rập Saudi, Indonesia và Brazil trở thành quốc gia có thị trường Logistics mới nổi xếp thứ 4 trên thế giới.
Ngoài ra Malaysia còn đưa ra một số các định hướng phát triển cho ngành Logistics mang tính thức thời như thành lập hệ thống vận chuyển liên thông Thái Lan – Singapore – Indonesia – Malaysia, tận dụng được mối quan hệ kinh tế, văn hóa trong khu vực và đem lại lợi ích kinh tế cho các quốc gia này; không ngừng áp dụng công nghệ thông tin vào hoạt động Logistics, hiện nay Malaysia đã trở thành nước đứng thứ hai khu vực về công nghệ thông tin, giúp nâng tầm vị thế của Malaysia trên trường quốc tế; Malaysia còn rất chú trọng phát triển nguồn nhân lực Logistics bằng việc liên kết giữa chính phủ Malaysia và viện nghiên cứu Massachuset của Mỹ thành lập Học viện Malaysia về đổi mới chuỗi cung ứng (MISCI).
Như vậy, với sự phát triển của ngành giao nhận và vận chuyển hàng hóa đi quốc tế – Logistics hiện tại, Việt Nam vẫn còn một chặn đường khá dài để đuổi kịp Thái Lan, Malaysia và Singapore. Tuy nhiên với những sự giống nhau về điều kiện tự nhiên, văn hóa, kinh tế và chính trị, những nước này là các “tấm gương” về ngành Logistics để Việt Nam có thể học hỏi. Tuy thị trường còn nhỏ, phát triển chưa định hướng rõ ràng và hầu hết các doanh nghiệp nội địa đều có quy mô nhỏ, nhưng Việt Nam cũng đang được xếp ở vị trí thứ 5 các quốc gia có thị trường Logistics tiềm năng trên thế giới, hấp dẫn đầu tư nước ngoài. Biết cách tận dụng những lợi thế hiện có, cùng với một định hướng phát triển hợp lý, chắc chắn tương lai của ngành Logistics Việt Nam rất rộng mở.