Trong những tháng đầu năm 2017, sự tồn tại của hiệp định TPP luôn là mối quan tâm lớn của truyền thông và các doanh nghiệp trên toàn thế giới, đặc biệt là các công ty trong lĩnh vực vận chuyển hàng hóa, xuất nhập khẩu và Logistics.
Sau khi Tân Tổng thống Mỹ Donald Trump nhậm chức vào tháng 1 vừa qua, một trong những quyết sách đầu tiên của ông là Mỹ sẽ rời khỏi TPP. Đây là một đòn nặng vào quyết tâm của 11 nước còn lại, khi Mỹ là đối tác lớn nhất của hiệp định này. Các nước còn lại, đặc biệt là Nhật Bản đang nỗ lực “bám víu”, chuẩn bị cho kế hoạch thành lập một hiệp định “TPP không có Mỹ” khác. Như vậy hiệp định TPP là gì, và tác động của nó quan trọng như thế nào đến nền kinh tế các nước thành viên? Liệu một hiệp định toàn cầu như TPP sẽ ảnh hưởng như thế nào đến các công ty dịch vụ vận chuyển hàng hóa và Logistics?
TPP – Một trong những hiệp định thương mại lớn nhất trong lịch sử
TPP là hiệp định thương mại quốc tế lớn nhất từ trước đến nay kể từ khi hiệp định NAFTA được ký kết vào năm 1994. TPP là viết tắt của cụm từ Trans-Pacific Partnership (Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương). Khởi động từ tháng 3 năm 2010, TPP hiện đang có 12 nước thành viên gồm: Australia, Brunei, Chile, Malaysia, Mexico, New Zealand, Canada, Peru, Singapore, Việt nam, Mỹ và Nhật Bản, các nước này tổng lại chiếm đến 40% GDP của thế giới và 30% giá trị thương mại toàn cầu. Với mục tiêu hướng tới việc cắt giảm, thậm chí xóa bỏ nhiều loại thuế quan và hạn ngạch đối với các sản phẩm thường được giao dịch giữa các nước thành viên.
TPP hiện tại còn đang được quan tâm bởi một số các quốc gia khác như Hàn Quốc và các nước khác trong APEC, có thể sẽ gia nhập trong tương lai. Một chuyên gia kinh tế học hàng đầu của Trung Quốc, ông Ma Jun nhận định: “Nếu không gia nhập TPP, tôi dự đoán GDP của Trung Quốc sẽ giảm khoảng 2,2% trong tương lai. TPP là một tổ chức đóng góp đến 40% nền kinh tế toàn cầu, đây là điều mà một quốc gia chắc chắn không muốn nằm ngoài cuộc chơi.”
Quy mô lớn của TPP sẽ mang đến cơ hội lớn cho các công ty vận chuyển hàng hóa và Logistics
TPP chắc chắn sẽ mang đến một “sân chơi” thương mại quốc tế rất sôi động cho các nước thành viên, với việc xóa bỏ các rào cản thương mại sẽ giúp nhiều hàng hóa lưu chuyển dễ dàng hơn, mang đến nhiều khách hàng hơn và do đó cũng có nhiều doanh nghiệp tham gia hơn. Các công ty dịch vụ vận chuyển hàng hóa và dịch vụ Logistics là lĩnh vực đầu tiên được hưởng lợi rõ nét nhất từ hiệp định này khi chi phí vận chuyển và thuế quan luôn là một bài toán nan giải.
Tiềm năng phát triển mạnh cho ngành Logistics:
Việc cắt giảm thuế mang đến rất nhiều cơ hội cho các công ty vận chuyển hàng hóa và Logistics. Việc giảm thuế hoặc xóa bỏ thuế xuất nhập khẩu sẽ làm cho nhiều doanh nghiệp muốn gửi hàng hơn vì cước phí đã rẻ hơn, và nhiều hàng được gửi hơn sẽ mang đến lợi ích kinh tế hơn cho các công ty vận chuyển hàng hóa. Sẽ hơi kiêu ngạo khi nói hiệp định này sẽ lập tức làm cho các công ty vận chuyển hàng hóa trở nên giàu hơn, nhưng quả thật nó đem đến lợi ích dài hạn cho ngành Logistics nói chung.
Đặc biệt là đối với các nước có thị trường thương mại nhỏ như Malaysia, Singapore hay Việt Nam, hiệp định này sẽ tạo ra một cơ hội lớn để mở rộng thị trường, thu hút nhiều hợp đồng “béo bở”. Dù trước mặt vẫn là những thử thách khi các doanh nghiệp nhỏ tại các nước này sẽ phải cạnh tranh gay gắt với những công ty đa quốc gia vận chuyển hàng hóa đa quốc gia sẽ ngày càng gia nhập nhiều hơn bởi các hiệp định mang tính có lợi về thuế.
TPP thật sự là một hiệp định quan trọng mang tính toàn cầu, với sự rút lui của Mỹ liệu hiệp định này có được hoàn thành ký kết hay không vẫn còn chưa rõ, tuy nhiên với lợi ích tiềm năng của nó, TPP có thể sẽ vẫn được thành lâp với một dạng khác “không có Mỹ”.