G

0937 48 18 98

 

Với sự phát triển chóng mặt của các thành phố lớn, kèm theo đó là các vấn đề vô cùng nghiêm trọng đến từ mật độ dân số, quy hoạch đô thị, ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng xấu đến hoạt động vận chuyển, lưu thông hàng hóa. Logistics thành thị trở thành một giải pháp đáng được cân nhắc.

Ngày nay, các thành phố lớn đều là những trung tâm thương mại, tài chính đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế quốc gia. Các thành phố lớn hầu hết đều có mức độ tập trung dân cư đông đúc, từ đó phát sinh các vấn đề về ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường, ô nhiễm tiếng ồn, chất lượng sống của người dân giảm sút, hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp kém.

logistics-thanh-thi

Cấu trúc hệ thống Logistics thành thị

Chính vì vậy, logistics thành thị (City logistics) trở thành một đề tài rất đáng thảo luận. Với việc tối ưu hóa các hoạt động logistics, đặc biệt là dịch vụ vận chuyển hàng hóa trong địa bàn các thành phố, giúp cải thiện các vấn đề của một thành phố đông dân, nâng cao hiệu quả hoạt động nhiều mặt của thành phố.
Vậy logistics thành thị là gì? Theo một định nghĩa của Tanaguchi et al. (2001), logistics thành thị là một hệ thống kết hợp các mạng lưới vận tải, phương tiện vận tải hiện đại, cách thức bóc dỡ hàng hóa, áp dụng các công nghệ tiến bộ, mô hình dịch vụ logistics thông minh làm giảm thiểu chi phí vận tải và cải thiện môi trường. Theo logistics thành thị, một thành phố căn bản chia thành 4 thành phần như sau:

Cấu trúc hệ thống logistics thành thị
Các thành phần riêng lẻ trong hệ thống này có những mục đích khác nhau, những lợi ích khác nhau tuy nhiên lại có mối quan hệ đa chiều tương- hỗ. Mỗi động thái của một thành phần sẽ ảnh hưởng đến hoạt động và lợi ích của những thành phần khác, do đó mối quan hệ này cần được cân nhắc kỹ lưỡng trên mỗi quyết định logistics. Ví dụ: Một hãng dịch vụ vận tải có hiệu quả hoạt động kém, gây ô nhiễm trong khu vực sẽ làm ảnh hưởng đến năng suất của các doanh nghiệp cùng hợp tác, gây ảnh hưởng đến chất lượng sống của người dân và áp lực lên cơ quan quản lý thành phố.
Chiến lược logistics thành thị ở tầm vi mô sẽ nâng cao khả năng phối hợp giữa quy hoạch thành phố và quản lý, điều hành giao thông vận tải. Ở tầm vĩ mô liên quan đến các chính sách phát triển của thành phố và quy hoạch dài hạn.
Một chiến lược logistics thành thị bền vững sẽ mang lại cho thành phố các lợi ích sau:
– Cho phép cân bằng giữa cơ sở hạ tầng đường sá, với nhu cầu di chuyển, vận chuyển hàng hóa của con người. Từ đó giảm thiểu ách tắt giao thông và các hậu quả khác do việc tập trung dân cư và phương tiện đông đúc.
– Giải quyết vấn đề tồn tại bền vững, nâng cao chất lượng môi trường sống và tiết kiệm năng lượng.
– Gia tăng chất lượng cuộc sống của người dân, mang đến sự an toàn, bình yên, cải thiện mỹ quan môi trường và thành phố.
Một số ứng dụng phổ biến trong logistics thành thị như:
1. Vận tải phối hợp:
Trong quá khứ, việc vận chuyển hàng hóa thường theo lộ trình dài, ít đa dạng và trọng tải lớn. Tuy nhiên xu hướng ngày nay yêu cầu dịch vụ vận tải cần chính xác về thời gian, với những địa điểm lấy hàng cụ thể “door to door”. Điều này khiến cho việc phát triển các mô hình vận tải phối hợp trở nên phổ biến, lộ trình trở nên ngắn hơn, đa dạng hơn, trọng tải nhẹ hơn, tận dụng nhiều nguồn lực khác nhau của công ty và xã hội để vận chuyển hàng hóa. Giúp tăng một cách hiệu quả số lượng hàng hóa vận chuyển, giảm thiểu các chuyến xe thiếu hiệu quả, gây tác động tốt đến môi trường và đời sống con người.
2. Làng vận tải:
Thành lập một khu vực lớn tập trung cho công tác vận chuyển hàng hóa là một giải pháp của logistics thành thị. Khu vực này sẽ quy tụ các nhà công ty khai thác hoạt động vận tải hàng hóa và được trang bị các công trình công cộng, hạ tầng phục vụ cho lĩnh vực này.
Tại đây hàng hóa sẽ được thu gom, sau đó sử dụng các dịch vụ vận chuyển đa dạng như đường bộ, đường sắt, đường thủy, hàng không để vận chuyển vào thành phố. Sự chuyên môn hóa làng vận tải, sẽ giúp vận chuyển hàng hóa một cách hệ thống hơn, năng suất cao hơn, dễ quản lý, hạn chế các chuyến đi thừa và giảm thiểu tác động xấu đến môi trường.
3. Kiểm soát yếu tố vận chuyển:
Việc vận chuyển, bóc xếp thiếu hiệu quả, cùng với chất lượng xuống cấp của các phương tiện vận chuyển là một trong các nguyên nhân ảnh hưởng nghiêm trọng đến năng suất hoạt động của các doanh nghiệp logistics và ảnh hưởng xấu đến môi trường thành thị. Do đó việc phải có những giải pháp quản lý chất lượng dịch vụ của các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics là điều cần thiết. Có thể quản lý bằng một số tiêu chuẩn như: đạt đủ tốc độ bóc dỡ hàng, trọng tải xe đúng quy định, các yêu cầu về lịch trình và thời gian các xe có thể vào thành phố, yêu cầu về lượng khí thải và tuổi thọ xe.
4. Hệ thống giao thông thông minh:
Trong thời đại vạn vật kết nối internet (Internet of things), lĩnh vực vận tải hàng hóa cũng đang dần áp cụng các công nghệ hiện đại vào vận hành và quản lý. Phổ biến nhất là việc áp dụng công nghệ định vị GPS trong việc giám sát và điều hành xe. Và hệ thống thông tin địa lý GIS cung cấp một sơ đồ điện từ về địa lý của thành phố, hỗ trợ cho việc sắp xếp lịch trình.
Việc áp dụng các công nghệ thông minh sẽ giúp nâng cao đáng kể hiệu suất hoạt động vận tải, quản lý các nhu lịch trình xe, cân đối lượng nhu cầu. Những công nghệ kết nối còn giúp tăng cường công tác giám sát, giao tiếp giữa nhà quản lý, trung tâm điều hành và chủ xe giúp hạn chế các rủi ro khi làm việc và nâng cao sự đồng bộ. Việc kết nối bằng công nghệ cũng hỗ trợ lưu giữ lịch sử hành trình và các đơn hàng, từ đó có thể phân tích để nâng cao năng suất, cắt giảm các chuyến xe thiếu hiệu quả.
5. Hệ thống giao thông vận tải mới:
Các phương tiện chất lượng kém, lạc hậu là một trong những nguyên nhân hạn chế năng suất và gây ảnh hưởng xấu đến môi trường, mỹ quan. Đầu tư cơ sở vật chất đúng tiêu chuẩn trong ngắn hạn sẽ kéo theo sự thay đổi của các yếu tố liên quan, để đáp ứng tiêu chuẩn mới đó, và về lâu dài còn tạo ra sự phát triển bền vững.

Nguồn: Tham khảo bài viết của Tiến Sĩ Phan Thị Thanh Nhàn trên báo Vietnam Logistics review.