THUẾ NHẬP KHẨU ĐƯỜNG MÍA TỪ 5 NƯỚC ASEAN
Áp dụng thuế đối với đường mía nhập khẩu từ 5 nước Asean tới năm 2026
Ngày 01/8/2022, Bộ Công Thương đã chính thức ra thông báo áp dụng biện pháp chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại đối với một số sản phẩm đường mía nhập khẩu từ 5 nước Asean thông qua Quyết định 1514/QĐ-BCT. Bao gồm các nước: Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào, Cộng hòa liên bang Mianma, Vương quốc Campuchia, Cộng hòa Indonesia.
Quyết định áp dụng biện pháp chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại được ban hành trên cơ sở quá trình điều tra được thực hiện một cách khách quan, minh bạch theo đúng các quy định pháp luật trong nước và phù hợp với các cam kết quốc tế. Các nội dung chính của kết luận điều tra đã được gửi trước đến các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan cũng như các doanh nghiệp để tham gia ý kiến.
Dựa trên số liệu và thông tin đã thu thập từ các ngành sản xuất trong nước, các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu nước ngoài, doanh nghiệp xuất khẩu và từ các cơ quan chức năng đã xác định việc các doanh nghiệp từ Campuchia, Mianma, Malaysia, Lào và Indonesia đã sử dụng đường mía có xuất xứ từ Thái Lan để sản xuất đường mía và xuất khẩu chúng sang Việt Nam. Đây là hành vi lẩn tránh biện pháp chống bán phá giá và chống trợ cấp đang áp dụng với sản phẩm đường của Thái Lan.
Bên cạnh đó, các chỉ số kinh tế cho thấy hiệu quả của biện pháp chống bán phá giá, chống trợ cấp đối với sản phẩm đường mía có nguồn gốc từ Xứ sở Chùa Vàng đang trên đà tụt dốc do ảnh hưởng của việc nhập đường từ 5 quốc gia kể trên.
Nhằm mục đích bảo vệ lợi ích của người dân trồng mía và doanh nghiệp sản xuất trong nước, đường mía nhập từ 5 nước Asean sử dụng nguyên liệu từ Thái Lan sẽ bị áp dụng cùng mức thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp đang áp dụng với đường Thái Lan với tổng mức thuế là 47,64%, trong đó thuế chống bán phá giá và 42,99% và thuế chống trợ cấp là 4,65%.
Trong trường hợp Doanh nghiệp có thể chứng minh được nguồn gốc xuất xứ của các nguyên liệu hoàn toàn nằm ở nước xuất khẩu thì sẽ không bị áp dụng biện pháp chống lẩn tránh. Quyết định này có hiệu lực sau 7 ngày từ ngày ban hành, trừ trường hợp được thay đổi, gia hạn theo các quyết định khác của Bộ Công Thương.
Các bên liên quan có thể nộp hồ sơ yêu cầu Bộ Công Thương tiến hành rà soát việc áp dụng biện pháp chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại trên cơ sở quy định tại Điều 82 và Điều 90 Luật Quản lý ngoại thương và Chương IV Nghị định số 10/2018/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý ngoại thương về các biện pháp phòng vệ thương mại.
Trong thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tổng cục Hải quan và các cơ quan liên quan theo dõi tác động của các biện pháp phòng vệ thương mại, tình hình sản xuất, cung-cầu, giá cả, v.v để triển khai các công cụ quản lý phù hợp theo quy định nhằm đảm bảo một môi trường cạnh tranh công bằng, bình đẳng và hài hòa lợi ích giữa người nông dân trồng mía, các doanh nghiệp sản xuất đường, các doanh nghiệp tiêu thụ đường và người tiêu dùng.
Nguồn: www.vneconomy.vn
ĐỌC THÊM: